Pages

Con mắt thứ ba: Xuyên Vân Kiếm Pháp 23

Có một không hai - có hai chết liền ...

Những thông tin trong tài liệu này, không mang tính chất chính xác cao, vì lý do các tài liệu chuyên ngành của Phật Giáo Nguyên Thủy quá đa dạng. Thậm chí là đôi khi chúng mâu thuẫn nhau.

Tập 23: Tổng Hợp Thông Tin để tu Sơ Thiền Hữu Sắc


Thời gian thấm thoát qua nhanh. Mùa xuân đang về trên vạn vật. Những cụm hoa rừng bắt đầu hé nở; cây lá đâm chồi xanh tươi. Tiếng chim hót ríu rít. Bầu trời trong veo màu nắng nhạt của bình minh. Tam Tiểu Thư ngắm nhìn những sắc màu của rừng núi, lòng cô an bình vui vẻ, quên đi những gian lao của “Nghiệp” bảo tiêu.

- Ông Tổng Quản: Tam Tiểu Thư à, dù cô có hảo cảm với Phật Giáo nói chung và Phật Giáo Nguyên Thủy nói riêng, thì việc tìm hiểu về cách tu tập Sơ Thiền Hữu Sắc ở các Trường Phái khác, của các nền văn minh khác, cũng là hữu ích. Điều này giúp chúng ta tránh không rơi vào chủ thuyết chủ quan, duy Phật Giáo Nguyên Thủy. Mặt khác, Tam Tiểu Thư cũng như quý độc giả chắc còn nhớ là từ thuở Sakya Muni còn tại thế, quan điểm của Ngài thoáng và mở. Chính Sakya Muni không khuyến khích chủ nghĩa tin tưởng mù quáng. Các thông tin không bị coi là dị giáo.

- Tam tiểu Thư: Ông Tổng Quản ơi, tôi thấy ông thiệt là rắc rối quá. Việc tu Thiền có gì đâu mà phải đọc quá nhiều trang sách, tham khảo quá nhiều thông tin, từ Ðông sang Tây, từ Cổ chí Kim như vậy chứ. Các vị thầy hướng dẫn việc tu Thiền Định ở Việt Nam, cũng như các nơi khác trên thế giới, hướng dẫn người tập tu Thiền Định khá ngắn gọn, đơn giản. Những vị đó hướng dẫn chúng ta phải ngồi làm sao cho ngay thẳng chính quy, truyền thống, kinh điển. Chú Tâm vào hơi thở hay một đối tượng nào đó, yên lặng không được nói chuyện, mắt hãy nhắm lại, hay hé nhìn vào chóp mũi. Việc thực hành càng miên mật càng tốt. Mỗi ngày ngồi Thiền càng nhiều giờ càng tốt, có thể 5, 10 giờ một ngày. Thời gian là vô hạn định. Thật vậy, 5 ngày thì là ngắn nhưng 500 ngày có thể vẫn chưa đủ …

Nếu tu tập không thành công thì do mình “Phước Mỏng Nghiệp Dày”. Cũng có thể có nhiều lý do khác nữa. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ!

Ông Tổng quản ơi, hay là ông làm chuyện “đột phá” đi ông. Ông có thể nói cho tôi biết một thông tin gì đó, có tính cụ thể và chính xác về vấn đề Thiền Định được không?
- Ông Tổng Quản: Học làm bác sĩ để sửa chữa cơ thể vật lý ở các nước tiên tiến, cũng mất hàng chục năm, chưa kể chuyên ngành: Tim mạch, hô hấp, tai mũi họng, thần kinh, nội tiết, huyết học … còn phải liên tục cập nhật và nâng cấp … Do đó, việc tiếp cận với các kiến thức chính quy, kinh viện, hàn lâm của bộ môn Thiền Định, với mục đích đầy tham vọng của chính bản chất bộ môn này, nếu chỉ dựa vào có vài câu nói, mà có thể thực hiện được hoài bảo là giải thoát khỏi thân phận đầy phiền não của con người sẽ là điều không thể và phi lý.

Trên tinh thần này, chúng ta tìm hiểu về việc tu Sơ Thiền Hữu Sắc, từ Lý Thuyết đến Thực Hành của 3 hệ phái nêu sau:

1. Sơ Thiền Hữu Sắc theo quan điểm của khoa học hiện đại.
2. Sơ Thiền Hữu Sắc theo quan điểm và màu sắc của Đại Thừa Trung Quốc.
3. Sơ Thiền Hữu Sắc theo quan điểm Phật Giáo Nguyên Thủy.

I. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM của KHOA HỌC HIỆN ÐẠI

Ở trong trạng thái của Sơ Thiền Hữu Sắc, người ta có cảm giác khác thường, dễ chịu, ngây ngất. Có cái gì tràn qua cơ thể như một trận mưa rào, dường như lông tóc dựng lên, ngứa ngáy vừa khó chịu vừa dễ chịu. Người ta thích thú với những cảm giác này. Vật chất và tinh thần dường như tắm trong sự ngây ngất, tràn trề hạnh phúc.

Theo khoa học hiện đại Tây phương, đó là hệ quả của việc “Chú tâm vào một vật duy nhất” hay “Chánh Định theo Phật Giáo Nguyên Thủy”. Chính tại thời điểm này, chất dẫn truyền thần kinh Dopamin xuất hiện. Chúng tôi xin phép nhắc lại một số chi tiết của những bài viết trước. Trong tiến trình Thiền Định, Dopamin xuất hiện một cách từ từ, thời gian Thiền Định càng lâu, hàm lượng Dopamin càng tăng cao. Dopamin có lẽ kích hoạt cơ chế sản xuất ra Noradrenalin. Cuối cùng Dopamin và Noradrenalin dường như có tác dụng cộng hưởng.

Một số nhà Khảo Cứu và Thiền Định Tây Phương, cũng chia Thiền ra làm 9 giai đoạn:

1. Trí tuệ.
2. Logic                                    Lãnh vực tri thức.
3. Hiểu biết.
4. Lý trí.

5. Thông minh.
6. Trực giác                              Lãnh vực nhận thức.
7. Cảm hứng.
8. Hiểu thấu.

9. Thông thái                            Bậc giác ngộ.

Có tài liệu cho là các lớp Thiền có sự tương ứng với việc phát triển của não bộ. Sau đây là phần giải thích sơ lược về 9 lớp Thiền nói trên:

1 & 2: Thu thập kiến thức.
           Nhận biết các quy tắc. 
3 & 4: Hiểu biết.
           Lý trí hạn chế ý nghĩ lan man.
           (Ðây là 4 bậc Thiền cơ bản).

5 & 6: Thông minh và trực giác.
           Trực giác xử lý như một khối, không xé lẻ.
7 & 8: Cảm hứng và hiểu thấu.
      9: Thông thái có nghĩa là giác ngộ.

II. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM MÀU SẮC của ÐẠI THỪA TRUNG QUỐC

Một vị thiền sư Trung Quốc, có đưa ra một phát biểu về thiền định nói chung như sau: “ Thiền có sâu có cạn, giai cấp khác nhau. Như người thích điều kì dị, thích trên đè dưới mà tu, là thiền ngoại đạo. Tin sâu luật nhân quả, cũng thích trên đè dưới mà tu, là thiền phàm phu. Ngộ được lý chỉ có ngã không mà tu, là thiền tiểu thừa. Ngộ được chân lý ngã và pháp cả hai đều không, là thiền đại thừa. Nếu đốn ngộ được tự tâm xưa, nay vốn thanh tịnh , không hề có phiền não, trí tính vô lậu xưa nay vốn đầy đủ, tâm này tức là Phật… đây là thiền tối thượng, còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền, còn gọi là chân như Tam Muội.”

Theo quan điểm Phật Giáo Trung Quốc, thì Thiền Định có thể chia ra làm 11 giai đoạn:

1. Dục Giới Định.
2. Ðáo Địa Định.
3. Sơ Thiền.
4. Nhị Thiền.
5. Tam Thiền.
6. Tứ Thiền.
7. Không Vô Biên Xứ.
8. Thức Vô Biên Xứ.
9. Vô Sở Hữu Xứ.
10. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.
11. Diệt Tận Định.

Trong khuôn khổ của tài liệu này, chúng ta chỉ tìm hiểu về 3 giai đoạn, trong đó có Sơ Thiền Hữu Sắc.

Dục Giới Định.
Vi Đáo Địa Định.
Sơ Thiền Hữu Sắc.

A. Dục Giới Định:

Có 3 hiện tượng trong Dục Giới Định:
- Thô Trụ Tâm: Tâm từ từ ngưng kết lại, không còn rong ruổi tán loạn, trụ trong cái thô.
- Tế Trụ Tâm: Tâm trí tùy tiện an trụ khi mong muốn, Tâm trở nên vi tế hơn.

- Dục Giới Định: Tâm trở nên trong sáng, tương ứng với Định, nhưng chưa có khả năng buông bỏ tất cả những Tâm của Dục Giới. Do đó, mặc dù Tâm đã Định, nhưng vẫn gọi là Dục Giới Định. Ðịnh ở Cảnh Dục Giới, rất dễ bị thoái hóa.

a. Thối Định do tác động ở bên ngoài.
b. Thối Định do yếu tố chủ quan, những tâm sau đây làm cho người tu Thiền Định ở Cảnh Định Dục giới Thối Định: Hy vọng, nghi ngờ, kinh sợ, vui mừng, yêu nặng, hối tiếc …

B. Vi Đáo Địa Định:

Cảm thấy Thân Tâm trống rỗng. Mất đi cảm giác về thân thể vật lý, thấy như mình lọt vào hư không. Ở trạng thái này, Sơ Thiền Hữu Sắc có thể xuất hiện. Vi đáo địa định chính là cái gạch nối.

Người tu Thiền Định ở Cảnh Giới này thường thấy: Thắng cảnh bên ngoài, màu sắc rực rỡ, mặt trăng, mặt trời. Tuy nhiên có khi lại thấy Tâm mình quá tối tăm, không biết gì, mê đi, hôn trầm.

C. Sơ Thiền Hữu Sắc:

Cảm giác Nhập Định từ từ sâu thẳm, Thân Tâm rỗng không. Bỗng nhiên Thân Tâm ngưng đọng, rồi như gió nổi lên, ở đâu đó không biết, tràn đầy khắp toàn thân.

Vẫn theo trường phái Phật giáo Trung Quốc, Sơ Thiền Hữu Sắc có 10 Thiện Pháp:

1. Ðịnh: Chuyên tâm vững chắc, không loạn động.
2. Không: Không còn chướng ngại.
3. Minh tinh: Thanh tịnh, đẹp đẽ, sáng sủa, chắc chắn.
4. Mừng: Tâm sinh ra vui mừng.
5. Vui: Tâm khoan khoái.
6. Thiện Tâm: Hổ thẹn, kính, tín. Hổ thẹn vì lúc trước không biết hiện tượng này.
7. Tri kiến rõ ràng: Không còn hôn mê.
8. Giải thoát: Không còn phiền lòng vì bị che mờ do: Tham, Sân, Si, Hối, Nghi.
9. Cảnh giới hiện tiền: Cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc hiện ra trước mắt.
10. Tâm hòa diệu: Tâm nhu nhuyến, dễ bảo.

Có 16 cảm giác khác gọi là Xúc được ghi nhận:

Ðộng, ngứa, mát, ấm, nhẹ, nặng, nhám, trơn, lắc, tựa, lạnh, nóng, nổi, trầm, cứng, mềm.
Mỗi xúc đều có Thiện Pháp riêng, cộng lại là 160 Pháp.

Sơ Thiền có 5 Thiền Chi:

1. Giác Chi: Biết được các xúc, 16 xúc, 160 pháp. Chính mình kinh ngạc vì sự hiểu biết khi hiện hữu ở cảnh sơ thiền hữu sắc, có cảm giác nóng nực được tắm ở một cái ao mát mẻ.
2. Quán Chi: Tâm có khả năng phân biệt. Cụ thể là phân biệt 16 xúc, 160 Pháp.
3. Hỉ Chi: Ơû trạng thái sơ thiền hữu sắc, tâm lý người tu thiền định cảm thấy vui mừng, phân biệt được các thiện pháp.
4. Lạc Chi: Qua lúc vui mừng, tâm trở nên bình tĩnh, cảm thấy khoái lạc, hưởng thụ sự khoái lạc đó.
5. Nhất Tâm Chi: Tâm không phân tán, an định, tịch tịnh.

III. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Tiến trình tu Thiền Định của Phật Giáo Nguyên Thủy được các tài liệu ghi lại thì có lẽ có 2 tiến trình. Không ai dám chắc tiến trình nào là chính thống, tiến trình nào là không chính thống. Trong tài liệu Luận có lẽ của Trường Phái Nhất Thiết Hữu Bộ, có chỗ thì cho là có 5 tiến trình, có chỗ thì ghi là có 9 tiến trình. Thật ra từ trước tới nay, người ta cũng chưa có cơ hội được biết ý kiến của một nhà khảo cứu nào về vấn đề chia chẻ các lớp Thiền Định của Phật Giáo Nguyên Thủy. Chúng ta sẽ liệt kê cả hai giả thuyết, để rộng đường dư luận.

A. Liệt kê 5 giai đoạn Thiền Định:

1. Ðệ Nhất Thiền.
2. Ðệ Nhị Thiền.
3. Ðệ Tam Thiền.
4. Ðệ Tứ Thiền.
5. Ðệ Ngũ Thiền.

B. Liệt kê 9 giai đoạn Thiền Định:
 
Thiền Hữu Sắc:
   1. Sơ Thiền.
   2. Nhị Thiền.
   3. Tam Thiền.
   4. Tứ Thiền.

Thiền Vô Sắc:
   1. Không Vô Biên Xứ.
   2. Thức Vô Biên Xứ.
   3. Vô Sở Hữu Xứ.
   4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Diệt Thọ Tưởng Định.

Theo thông tin của cuốn Tạp Thư, thì tiến trình 9 giai đoạn của Thiền Định có lẽ là hợp lý nhất. Lý do cũng khá đơn giản, có thể hiểu được là vì nó phù hợp với thực tế khách quan. Nếu chúng ta công nhận tiên đề của Vi Diệu Pháp cũng như là kiến thức dân gian: Con người là một tổ hợp của vật chất và tinh thần hay còn gọi là tổ hợp của Danh và Sắc; thì việc tu Thiền Định cũng phải giải quyết từng giai đoạn một. Bốn giai đoạn Thiền Hữu Sắc lấy sắc làm đối tượng để giải quyết vấn đề vật chất. Bốn lớp Thiền Vô Sắc để giải quyết vấn đề Tâm của con người. Sau khi giải quyết xong tổ hợp con người là Sắc và Tâm, thì bước thứ 9 mới có điều kiện để xuất hiện.

Trong tài liệu này, chúng ta chỉ thực tập, học hỏi 9 lớp Thiền Định. Tuy nghe 9 lớp đơn giản với 9 dòng chữ; nhưng có lẽ khi bước vào thực tế thì nó phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nó không giống như chúng ta đi học một ngành nghề nào đó, ở một trường nghề hay trường đại học.

- Tam Tiểu Thư: Nhờ ông nói tôi cũng bắt đầu hiểu được phần nào. Nhưng thật tình mà nói, tôi vẫn cảm thấy những kiến thức này được viết ra bởi những người có tư duy không phải thuộc cõi ta bà. Nó cứ làm cho tôi thấy khó hiểu sao đó.
- Ông Tổng Quản: Ðể hiểu được lý thuyết về Thiền Định chính quy cũng cả là một vấn đề. Từ ngữ được sử dụng trong bộ môn này, có lẽ còn khó khăn hơn cả việc học một ngoại ngữ. Những từ ngữ mà chúng ta tiếp cận, nó không tương thích với bất cứ một bộ môn nào mà chúng ta đã từng học. Tất nhiên ai cũng tự hỏi, tại sao lại có hiện tượng này? Thật vậy, chắc chắn có rất nhiều quý độc giả, đã từng tham khảo các loại tài liệu này, nhiều năm tháng, có khi cả đời người, một cách rất cần cù chăm chỉ. Nhưng vô cùng kinh ngạc, vì thấy mình bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức, nhưng thực sự không hiểu những tài liệu này nói cái gì.

Rất có thể, các tài liệu chính quy của Thiền Định, đã được những người tu Thiền Định và thực sự Nhập Định được, ghi chép lại những cảm nghĩ hoặc những gì họ thấy biết … trong trạng thái Nhập Định. Nói cho dễ hiểu hơn, những tài liệu này mô tả những gì đã hiện hữu trong những Cảnh Giới, những chiều không gian, những hệ quy chiếu … hoàn toàn khác biệt với môi trường mà chúng ta đang sinh hoạt. Do đó, khi người tu Thiền Định diễn tả, ghi chép lại những gì mà họ thấy biết trong lúc Nhập Định, họ đã sử dụng những từ ngữ thật khó hiểu, mang những ý nghĩ hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi người. Chúng ta để ý, trong các tài liệu của Phật Giáo hay sử dụng khá rộng rãi câu nói sau đây: “Không thễ nghĩ bàn”. Nếu diễn tả một cách thời trang, thì những tài liệu này, đã được ghi lại bởi những người ở ngoài hành tinh. Mới nghe thì chuyện này có vẻ như không thực tế, nhưng nếu quan sát một người tu Thiền Định trong lúc Nhập Định, thì những người này ở một không gian khác và là một con người khác. Do đó, khi gọi là người đang Nhập Định là người ngoài hành tinh, có lẽ chính xác cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

- Tam Tiểu Thư: Tôi không ngờ bộ môn này lại phức tạp đến như vậy!
- Ông Tổng Quản: Phật Giáo Nguyên Thủy sử dụng một đối tượng là Sắc Pháp, có nghĩa là vật chất. Vật chất có nghĩa là cái bàn, cái ghế … làm đối tượng để chú Tâm vào. Việc chú Tâm vào một đối tượng duy nhất nào đó, Bát Chánh Đạo gọi là Chánh Định.

Chúng ta chọn một đối tượng nào đó phù hợp với chính mình. Quý độc giả có thể tìm thấy rất nhiều đối tượng, bằng hình ảnh, kèm Chân Ngôn Kinh … trong Blog của CTR .

Người tu Thiền Định, sau khi điều thân, điều tức, bế lục căn (có nghĩa là cắt đứt cái gạch nối giữa giác quan và thế giới bên ngoài), chăm chú quan sát vào đối tượng một cách mạnh mẽ và liên tục, đối tượng này gọi là Sơ Tướng (Parikamma Nimitta). Sau đó nhắm mắt vô vẫn nhìn, nghe đối tượng rõ ràng, gọi là Thô Tướng (Uggaha Nimitta). Tiếp tục Quán Tưởng như vậy, người tu Thiền Định thấy đối tượng Quán Tưởng trở thành một vầng sáng hay vầng tối, gọi là Patibhaga Nimitta.

Bảng tóm tắt các tâm của Sơ Thiền Hữu Sắc:

1. Tâm Vương: Sơ Thiền Hữu Sắc.
2. Thiền Chi: Tầm, Tứ, Nhất Tâm, Hỉ, Lạc.
3. Bản chất của Sơ Thiền Hữu Sắc
    Thiền Thiện Tâm / Tịnh quan tâm.
4. Khả năng của Sơ Thiền Hữu Sắc:
    Thiền Dị Thục Tâm / Duy Tác Tâm.
5. Có 35 tâm sở phối hợp:
    13 Đồng, Bất Đồng Tâm Sở + 22 Tịnh Quan Tâm Sở.

Không có tiết chế Tâm Sở và vô lượng Tâm Sở.
Phần giải thích sẽ được trình bày ở tập tiếp theo.

Người thực sự tu Thiền Định của Trường Phái Phật Giáo Nguyên Thủy, rất cần phải hiểu và thuộc lòng các chi tiết nêu trên. Thật vậy, trong lúc tu Thiền Định, vì không hiểu và không thuộc các Tâm, thì sanh ra nghi ngờ lúng túng, không biết Tâm nào là tích cực, Tâm nào là không tích cực, hiện tượng này xảy ra sẽ phá hoại Nhất Tâm, Tầm, Tứ, lý do có lẽ là thiếu tinh tấn … sau này muốn cải thiện việc tu Thiền Định, để tiến lên những lớp cao hơn cũng rất khó, việc này xảy ra cũng giống như người đi học chữ, mất căn bản ở những lớp dưới.

Tam Tiểu Thư im lặng suy nghĩ. Cô thật sự không ngờ Thiền Định là một “siêu khoa học”. Cô đang tự hỏi bây giờ mình nên cố gắng để thời gian ra học hỏi nghiêm túc với ông Tổng Quản hay nên tiếp tục tu “mù”?

(còn tiếp) ...

Tác giả: CTR


Ghi Chú:
Những bài viết của nhóm CTR, chỉ là sản phẩm của giả tưởng. Tuyệt đối không có bất cứ một giá trị nào, ở bất cứ lãnh vực nào. Mong quý độc giả lưu tâm!



0 comments:

Đăng nhận xét